Sở Kế hoạch và đầu tư
Tỉnh Bà rịa - Vũng tàu

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm 2024

05/09/2024 - 11:51

I. Qua 6 tháng thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hoạt đồng đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp; kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến theo hướng tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2023, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, tài chính (13/14 chỉ tiêu) tăng trưởng so với cùng kỳ và cao hơn mức kế hoạch cả năm 2024, đặc biệt: (i) Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trừ dầu khí ước tăng 9,18% là mức tăng cao nhất của tỉnh giai đoạn những năm gần đây; (ii) doanh thu dịch vụ du lịch (lữ hành) tăng 39,92% so với cùng kỳ; (iii) tổng thu ngân sách tăng 10,63% so với cùng kỳ.

Đã tổ chức thành công Hội nghị triển khai Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với xúc tiến đầu tư năm 2024 và ban hành Danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2024-2030 vào ngày 30/3/2024, với sự tham gia của hơn 650 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ; lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ; cơ quan ngoại giao, tổ chức hiệp hội trong và ngoài nước; các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong ngoài tỉnh,... tạo động lực mạnh mẽ cho việc thu hút đầu tư, quảng bá tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến phạm vi cả nước và quốc tế.

Tổng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước cấp mới và tăng thêm ước đạt 1.662,24 triệu USD và 27.085,8 tỷ đồng (tương đương 66.978 tỷ đồng), tăng gấp 4,9 lần so với cùng kỳ, trong đó: Vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt 1.662,24 triệu USD, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ, đứng vị tí thứ 2 trong cả nước (tỉnh Bắc Ninh đạt 2.580 triệu USD); vốn đầu tư trong nước đạt 27.085,8 tỷ đồng, tăng gấp 3,08 lần so với cùng kỳ.

Duy trì hoạt động của Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh tại buổi họp nghe báo cáo vướng mắc của các dự án đầu tư tại địa bàn tỉnh (Tổ 997), Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức họp giao ban định kỳ hàng tuần, đến nay đã tiếp nhận và xử lý 33/57 kiến nghị.

Đối với đầu tư công, đã hoàn thành thủ tục đầu tư, chuyển sang danh mục khởi công mới, BTGPMB nhiều tuyến giao thông kết nối quan trọng, trọng điểm của tỉnh như: Đường nối vào cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu (từ QL56 đến nút giao Vũng Vằn); Đường nối vào cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu (từ nút giao Vũng Vằn đến đường ven biển ĐT994); Nâng cấp mở rộng đường Hội Bài - Phước Tân (ĐT 992) đoạn từ QL 51 đến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Nâng cấp, mở rộng đoạn từ ngã ba Long Phù đến cầu Sông Ray, đoạn nhánh kết nối với đường Tỉnh lộ 44B và các cầu trên tuyến; Nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 994 (đường ven biển Vũng Tàu-Bình Châu) đoạn từ cầu Sông Ray Km49+028,35 đến Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Trung Thủy Km70 + 506,55, H.Xuyên Mộc.

Các lĩnh vực văn hóa thể thao, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông,... đều triển khai đầy đủ, kịp thời đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Chính trị - xã hội ổn định quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Năm 2023, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 88,64%, xếp hạng 08/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc so với năm 2022 và đứng đầu trong 06 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đạt 91,03 điểm, xếp hạng 05/63 tỉnh, thành phố, tăng 01 bậc so với năm 2022 và đứng đầu trong 06 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh (PAPI) đạt 44,57 điểm/80 điểm, xếp thứ 09/63 tỉnh thành phố, tăng 25 bậc so với năm 2022 và đứng thứ hạng cao nhất trong 06 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ; Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 đạt 69,57 điểm, giảm 0,69 điểm và xếp hạng 06/63 tỉnh, thành phố, giảm 2 bậc so với năm 2022 và tiếp tục đứng thứ hạng cao nhất trong 06 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ; Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), xếp hạng 08/63 tỉnh, thành phố, tăng 11 bậc so với năm 2022.

* Bên cạnh những mặt đạt được, trong 6 tháng vẫn còn một số tồn tại hạn chế, nguyên nhân như sau:

1. Tổng chi ngân sách khoảng 13.579 tỷ đồng, tăng 47,57% nhưng chỉ đạt 41,49% dự toán (Nghị quyết cả năm 32.732,29 tỷ đồng), nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công dẫn đến chi đầu tư phát triển chỉ đạt 36,91% dự toán.

2. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với cùng kỳ, giải ngân 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,94% so với kế hoạch (so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2023 đạt 31,03%). Tỷ lệ giải ngân thấp chủ yếu là do kết quả giải ngân nhóm các dự án khởi công mới và BTGPMB rất thấp, nguyên nhân:

(i) Nhóm khởi công mới chỉ đạt 10,09% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân nhóm dự án này còn rất thấp là do trong các tháng đầu năm chủ đầu tư còn đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư để đủ điều kiện tổ chức đấu thầu, đồng thời có 11 dự án  mới được HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh từ chuẩn bị đầu tư lên khởi công mới tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 29/02/2024, Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 22/4/2024 và số 25/NQ-HĐND ngày 21/5/2024 với số vốn là 4.462.000 triệu đồng; các dự án này đang thực hiện các thủ tục đầu tư để đấu thầu và sẽ giải ngân cao vào các tháng cuối năm sau khi chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục.

(ii) Trong kế hoạch đầu tư công năm 2024, tới nay còn 69 dự án chưa hoàn thành công tác BTGPMB; tổng vốn bố trí cho 69 dự án này là 8.356.944  triệu đồng, giải ngân đến hết ngày 30/6/2024 là 1.910.627 triệu đồng, đạt 22,86% kế hoạch.

Trong 69 dự án này, có 44 dự án có tỷ lệ giải ngân thấp (thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung); tổng vốn bố trí cho 44 dự án này là 6.412.403  triệu đồng, giải ngân đến hết ngày 30/6/2024 là 488.941 triệu đồng, đạt 7,62% kế hoạch. Chia theo nhóm dự án như sau: 28 dự án chuyển tiếp với tổng vốn bố trí là 2.037.003 triệu đồng, giải ngân đến hết ngày 30/6/2024 là 376.087 triệu đồng, đạt 18,46% kế hoạch; 09 dự án khởi công mới với tổng vốn bố trí là 3.794.400 triệu đồng, giải ngân đến hết ngày 30/6/2024 là 95.408 triệu đồng, đạt 2,51% kế hoạch; 07 dự án BTGPMB có tổng vốn bố trí là 581.000 triệu đồng, giải ngân đến hết ngày 30/6/2024 là 17.446 triệu đồng, đạt 3% kế hoạch.

Trong các dự án chuyển tiếp, còn một số dự án đang triển khai thi công nhưng còn bị vướng mặt bằng nên không thể tiếp tục thi công theo tiến độ ; một số dự án còn phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng  nên chưa tiếp tục triển khai thi công.

+ Một số dự án có phát sinh tăng (do điều chỉnh vị trí, quy mô đầu tư, điều chỉnh giá hợp đồng, tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng,…) nên Chủ đầu tư phải thực hiện xong thủ tục trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư  mới đủ căn cứ pháp lý để thực hiện các công việc tiếp theo dẫn đến chậm giải ngân.

+ Năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn hạn chế; năng lực triển khai thi công của một số nhà thầu còn hạn chế  nhưng các chủ đầu tư chưa thực hiện các biện pháp chế tài như xử phạt hợp đồng, chấm dứt hợp đồng,…

Nhóm BTGPMB, do trong các tháng đầu năm chủ đầu tư còn đang hoàn thiện các thủ tục về BTGPMB (Đo đạc, kiểm kê, xác minh nguồn gốc đất, vật kiến trúc, phê duyệt giá đất, phê duyệt phương án, kinh phí bồi thường, chi trả, bàn giao…), ngoài ra còn 3 dự án  mới được HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh từ chuẩn bị đầu tư lên BTGPMB tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 29/02/2024 và Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 19/04/2024 với số vốn là 341.000 triệu đồng.

3.  Công tác tổ chức đấu giá các khu đất dự kiến đấu giá năm 2024-2025 triển khai còn chậm: Trong tổng 24 khu đất dự kiến tổ chức đấu giá năm 2024-2025 (Trung tâm Phát triển quỹ đất dự kiến tổ chức đấu giá 22 khu đất), đã phê duyệt phương án đấu giá đối với 10/22 khu đất, quyết định đấu giá đối với 06/22 khu đất (nhưng đến nay, chỉ thuê được đơn vị tư vấn xác định giá đối với 01/06 khu đất (khu đất này đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500). Đối với 05/06 khu đất còn lại, không thuê được đơn vị tư vấn hoặc đã thuê được nhưng đã thanh lý hợp đồng vì không tìm được tài sản so sánh để xác định giá đất theo phương pháp so sánh và chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 nên không xác định được giá đất theo phương pháp thặng dư).

4. Tình trạng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hẹn tại một số cơ quan, đơn vị vẫn còn. Một số lĩnh vực chưa được tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia: Tư pháp; tài chính; giao thông vận tải; xây dựng; hệ thống định danh và xác thực điện tử.

5. Vào cuối mùa khô tháng 3, tháng 4 năm 2024 vẫn xảy ra thiếu nước tưới cho cây ăn quả ở khu vực xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc. Nguyên nhân do tình hình thời tiết El Nino, mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm hơn trung bình nhiều năm (cuối tháng 10), dung tích các hồ chứa nước không đạt dung tích thiết kế; nhiệt độ trung bình xấp xỉ đến cao hơn nhiệt độ trung bình nhiều năm do đó lượng nước bốc hơi nhiều hơn trung bình nhiều năm; dung tích các hồ chứa trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đầu mùa khô năm 2023 thấp hơn cùng kỳ, thời tiết nắng nóng, nên nhu cầu sử dụng nước năm 2024 cao hơn trung bình nhiều năm, cụ thể dung tích các hồ trên địa bàn Xuyên Mộc cuối vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024 thấp hơn so với cùng kỳ, trong đó có hồ chứa nước Sông Hỏa, do dung tích trữ của hồ không bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt và nông nghiệp, phải bơm nước từ ngày 02/4/2024 đến ngày 02/5/2024 để hỗ trợ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi và 108ha cây ăn quả ở xã Bông Trang). Nhìn chung, mùa khô năm 2024, hồ Sông Hỏa bảo đảm đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên do nguồn nước còn hạn chế nên không đáp ứng được nhu cầu xử lý ra hoa trái vụ cho cây ăn quả (cây nhãn) nhằm thu hoạch sớm của bà con nông dân.

6. Giải quyết việc làm tăng thêm đạt 42,96% so với kế hoạch, nguyên nhân:

- Trong 02 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn chịu tác động tình hình bất ổn kinh tế thế giới của năm 2023, các đơn hàng của doanh nghiệp chưa có tính dài hạn, ổn định. Một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn như: Sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất thép, chế biến nông sản, đánh bắt thủy sản,… Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài, lao động về quê ăn tết, tình hình lao động việc làm trong 02 tháng đầu năm không ổn định.  Nhu cầu tuyển dụng lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vẫn còn ngắn hạn, chưa lâu dài.

- Số lao động trong 06 tháng đầu năm 2024 nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng 1,75% so với cùng kỳ năm 2023 (9.693/9.526 người).

- Một bộ phận người lao động có xu hướng nghỉ việc không đi làm trở lại để xin hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần; một số lao động khác chuyển nơi làm việc về quê, đi các địa phương khác.

- Lực lượng lao động tại địa phương thiếu chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đăc biệt là lao động chất lượng cao.

7. Tình hình xâm hại trẻ em giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên vẫn còn xảy ra: (1) Xâm hại tình dục: 30 vụ/30 trẻ (trong đó có 8 vụ xảy ra các năm trước, năm 2024 phát hiện xử lý), giảm 14 vụ/14 trẻ so với cùng kỳ; (2) Bạo lực: 02 vụ/02 trẻ, giảm 01 vụ/01 trẻ so với cùng kỳ; (3) Bỏ rơi: 03 vụ/03 trẻ, tương đương cùng kỳ năm 2023, nguyên nhân:

- Về mặt khách quan: (i) Trong những năm qua, công tác truyền thông phòng chống xâm hại trẻ em được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm tăng cường thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vấn đề xâm hại trẻ em qua đó người dân đã mạnh dạn tố giác tội phạm xâm hại trẻ em góp phần làm tăng số vụ trẻ em bị xâm hại được phát hiện và xử lý; (ii) Sự phát triển của Công nghệ 4.0 và mặt trái của nó khiến việc tiếp xúc với các trang mạng xã hội khá dễ dàng, những trang mạng khiêu dâm, tệ nạn ma túy ngày càng khó kiểm soát. Thông qua trang mạng xã hội, đối tượng thường dụ dỗ, mua chuộc trẻ em. Hầu hết các vụ giao cấu trẻ em đều xuất phát từ việc quen biết nhau qua mạng xã hội.

- Về mặt chủ quan: (i) Nhiều trường hợp đối tượng và người bị hại thực sự có tình cảm yêu thương nhau, nhưng do thiếu hiểu biết về pháp luật nên dẫn đến vi phạm (6 tháng đầu năm có 23/30 trường hợp quan hệ tự nguyện). Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em thường lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của trẻ em để dụ dỗ, lôi kéo; (ii) Việc quản lý phòng trọ, nhà nghỉ, quán cà phê, karaoke còn lỏng lẻo tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội (06 vụ/30 vụ xảy ra tại nhà nghỉ, phòng trọ, quán cafe); (iii) Việc quản lý, giáo dục trẻ em phòng ngừa tội phạm trên môi trường mạng chưa thật sự được quan tâm chú trọng, dẫn đến trẻ em dễ bị dụ dỗ và xâm hại (có 11 vụ/30 vụ trẻ em quen biết đối tượng xâm hại qua các trang mạng xã hội). Ngoài ra còn có một số vụ xâm hại mà đối tượng xâm hại chính là người thân quen của trẻ em như cha dượng, bác họ, anh họ; (iv) Nhiều gia đình lo làm ăn thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái, mặc khác những người lớn trong gia đình thiếu hiểu biết về giai đoạn phát triển của trẻ để hỗ trợ, hướng dẫn giáo dục con trẻ, bên cạnh đó trẻ em với bản tính tò mò thích khám phá nên dễ dàng bị lạm dụng tình dục; (v) Trẻ em thiếu hụt kiến thức về giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thiếu kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ phòng tránh xâm hại; (vi) Công tác tuyên truyền các luật pháp liên quan đến trẻ em và nâng cao nhận thức về quyền trẻ em chưa bao phủ đến hết các đối tượng người dân, đặc biệt là nam giới, người nhập cư; (vii) Chế tài xử lý tội phạm xâm hại trẻ em còn quá nhẹ so với hậu quả mà trẻ em phải gánh chịu cả cuộc đời.

8. Trong 6 tháng đầu năm chưa triển khai thực hiện dự án phát triển mô hình giảm nghèo cho hộ nghèo và hộ thoát nghèo trên địa tỉnh. Nguyên nhân: Theo Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh quy định các khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Vì vậy, các hộ nghèo có nhu cầu thực hiện các mô hình chăn nuôi sinh sống tại các khu vực này không đủ điều kiện để thực hiện. Do đó, mất nhiều thời gian rà soát và chọn hộ đủ điều kiện thực hiện hỗ trợ các mô hình chăn nuôi và trồng trọt.

9. Các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hoá, nghệ thuật,... chưa được đa dạng, phong phú nhằm tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến vui chơi và lưu trú; công tác truyền thông các hoạt động kinh tế - xã hội chưa được chủ động.

10. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có một vài trường hợp còn chậm so với quy định. Nguyên nhân: Do số vụ thụ lý mới cấp tỉnh tăng cao so với cùng kỳ năm 2023, có vụ việc phức tạp cần phải có thêm thời gian để xác minh làm rõ.

11. Việc triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chậm. Nguyên nhân: (i) Một số trường hợp xuất phát từ phía đối tượng thanh tra như: Đối tượng thanh tra không phối hợp thực hiện; chủ thể sử dụng đất thế chấp ngân hàng và bị kê biên, bán đấu giá cho cá nhân khác nên gặp khó khăn trong việc thu hồi đất theo kết luận thanh tra; đối tượng thanh tra gặp khó khăn về tài chính không có khả năng thực hiện hoặc có đơn khiếu nại, kiến nghị đề nghị xem xét lại nội dung kiến nghị hiện đang chờ cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; (ii) Một số trường hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kết luận thanh tra, tuy nhiên việc thực hiện đòi hỏi phải thực hiện theo những quy trình, thủ tục luật định nên chưa thể hoàn thành dứt điểm; (iii) Do công tác phối hợp thực hiện của các cơ quan, đơn vị liên quan chưa tốt. Có trường hợp nội dung kiến nghị phải thực hiện phụ thuộc vào việc xử lý của cấp có thẩm quyền.

12. Hoạt động khai thác khoáng sản không phép vẫn còn diễn ra. Nguồn vật liệu đất đắp theo quy hoạch cơ bản đáp ứng nhưng chưa được huy động kịp thời để phục vụ các công trình, dự án, nguyên nhân: (i) hoạt động khai thác khoáng sản không phép vẫn còn diễn ra do nguồn cung vật liệu đất đắp khan hiếm; (ii) công tác cấp phép khai thác khoáng sản và việc triển khai các dự án nạo vét nhằm huy động nguồn đất đắp chưa kịp thời; (iii) quy định của Luật Khoáng sản trong cấp giấy phép khai thác nguồn vật liệu đất đắp trải qua nhiều trình tự, thủ tục.

II. Tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong 6 tháng cuối năm 2024 như sau:

1. Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh; khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phù hợp với Quy hoạch tỉnh và lập quy hoạch xây dựng các khu chức năng làm cơ sở triển khai các dự án, xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh.

2. Về phát triển kinh tế

- Tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế đã đề ra của năm 2024.

- Tiếp tục hoàn chỉnh và trình phê duyệt các Đề án được Chính phủ giao cho tỉnh xây dựng tại Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Thúc đẩy năng lực sản xuất tăng thêm từ các dự án mới; tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh để duy trì năng lực sản xuất của các doanh nghiệp hiện có (sản phẩm thép, cấu kiện kim loại, điện, vật liệu xây dựng cơ bản, điện, đạm,…).

- Hoàn chỉnh phương án giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật của 04 CCN do ngân sách nhà nước đầu tư theo quy định và Quy chế quản lý CCN, CCN làng nghề trên địa bàn tỉnh để xem xét ban hành.

- Tiếp tục phối hợp hoàn thiện hồ sơ thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo và trình Hội đồng thành viên EVN phê duyệt.

- Trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ; Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng cảng khách quốc tế Vũng Tàu.

3. Về thu chi ngân sách

- Ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách, thường xuyên theo dõi, xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả để huy động kịp thời nguồn thu đảm bảo hoàn thành và vượt mức dự toán pháp lệnh được giao.

- Xây dựng kế hoạch dự toán thu – chi ngân sách nhà nước năm 2025.

- Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính, xem xét ban hành Quyết định về cắt giảm, tiết kiệm 5% chi ngân sách địa phương năm 2024; xem xét quyết định sử dụng số tiết kiệm này để bố trí chi ngân sách đảm bảo theo quy định.

4. Về đầu tư và phát triển doanh nghiệp

- Rà soát, phân bổ hết số vốn còn lại (994 tỷ đồng) cho các dự án đủ thủ tục và điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân thấp sang các dự án giải ngân cao có nhu cầu tăng vốn, cụ thể: Dự án thành phần 3, Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu 494 tỷ đồng và Đường trục chính Vũng Tàu 500 tỷ đồng.

- Xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hoạn 2026-2030.

- Thành lập Đoàn vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện dự án tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành lập pháp nhân để hoạt động kinh doanh; phân cấp, phân quyền hạch toán, nộp thuế tại các đơn vị kinh tế trực thuộc (Chi nhánh, địa điểm kinh doanh) hoạt động trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm tăng nguồn thu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

- Tập trung triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm; xử lý, triển khai các lộ trình thực hiện việc xử lý các dự án chậm triển khai trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt của tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn (Tổ công tác 997).

- Ban hành Kế hoạch cải thiện chỉ số PCI năm 2024 để các ngành triển khai thực hiện.

- Ban hành Kế hoạch thực hiện Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI).

5. Về văn hóa - xã hội

- Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đảm bảo an toàn, nghiêm túc đúng quy định; tổng kết năm học 2023-2024; chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới năm 2024-2025. Triển khai lập Kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo năm 2025.

- Ban hành Kế hoạch triển khai hệ thống Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa năm 2024.

- Ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

6. Về công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên - môi trường

- Tập trung thực hiện các công tác liên quan đến lập quy hoạch, thẩm định các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch; phê duyệt các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 theo Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 16/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Xây dựng Chỉ thị về phối hợp công bố giá vật liệu xây dựng; phê duyệt bộ đơn giá và hướng dẫn xác định dự toán chi phí dịch vụ công trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Triển khai các bước công nhận đô thị loại V đối với thị trấn Phước Hải và khu vực mở rộng theo quy định.

- Phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021 - 2025) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của cấp huyện. Điều chỉnh Bảng giá các loại đất định kỳ 05 năm (01/01/2020 - 31/12/2024).

- Đẩy mạnh thực hiện các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, khai thác quỹ đất công trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để huy động nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

7. Cải cách hành chính, chuyển đổi số

- Trình Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.

- Triển khai giải pháp nâng cao các chỉ số: PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI, PGI năm 2024.

- Triển khai, đưa vào vận hành App dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp; Kế hoạch công bố dữ liệu mở của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Xây dựng Danh mục dịch vụ chia sẻ dữ liệu của tỉnh.

8. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo

- Theo dõi, chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung theo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Kết luận các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

- Tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước một cách hiệu quả.

9. Quốc phòng-an ninh, hoạt động đối ngoại

- Duy trì chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp, khả năng sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và các sự kiện quan trọng năm 2024.

- Đẩy mạnh hợp tác với các đối tác tiềm năng, nằm trong đối tác hợp tác chiến lược của Việt Nam, các quốc gia có vốn đầu tư lớn vào tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, các nước ASEAN, các nước châu Âu trong các lĩnh vực cảng biển và logistics, công nghiệp, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, và các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh khác của tỉnh; tăng cường hợp tác với các đối tác theo cơ chế Hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), cơ chế Mê Công - Nhật Bản, Mê Công - Hàn Quốc gắn với mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển tỉnh theo Quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tiến tới 2050.

Nội báo cáo chi tiết xem trên file đính kèm./.


Đánh giá: