Sở Kế hoạch và đầu tư
Tỉnh Bà rịa - Vũng tàu

Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Sở Kế hoạch và Đầu tư

Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 năm 2024

08/08/2024 - 11:15

1. Chính phủ đã đưa ra 07 quyết nghị gồm:

(1) Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, quý II và 6 tháng đầu năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm tháng 7, quý III và 6 tháng cuối năm 2024

Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong tháng 7, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là xung đột quân sự, biến động chính trị, bất ổn tại một số quốc gia, khu vực; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và thiếu vững chắc. Thiên tai, bão lũ gây thiệt hại nặng nề tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn rủi ro tác động đến nguồn cung và giá cả lương thực, hàng hóa thế giới. Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trước những tác động bất lợi từ bên ngoài. Đặc biệt, sự ra đi của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, người đảng viên cộng sản kiên trung, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới, đã để lại niềm xúc động và tiếc thương vô hạn của Đảng, Nhà nước, đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 7 tiếp tục xu hướng tích cực, tốt hơn tháng trước; tính chung 07 tháng, đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên nhiều lĩnh vực, góp phần tạo động lực phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch của năm 2024.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 07 tháng tăng 4,12%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; điều hành tỷ giá, tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thu ngân sách nhà nước 07 tháng ước đạt 69,8% dự toán năm, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh đã thực thi các chính sách giảm, giãn, hoãn, miễn thuế, phí, tiền sử dụng đất...; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước trong giới hạn cho phép. Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, tính chung 07 tháng tăng 17,1%, ước xuất siêu 14,08 tỷ đô la Mỹ (USD). Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký 07 tháng đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ và chất lượng được nâng lên với vốn đăng ký điều chỉnh tăng 19,4%.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 tăng 11,2% so với cùng kỳ, tính chung 07 tháng tăng 8,5% (cùng kỳ giảm 0,8%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5% (cùng kỳ giảm 1,2%). Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 đạt 54,7 điểm, cao nhất kể từ tháng 11 năm 2018. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực; kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 9,4% so với cùng kỳ, tính chung 07 tháng tăng 8,7%; khách quốc tế đến 7 tháng đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ. Trong tháng, có 14.735 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 8.201 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; tính chung 07 tháng, có 139,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn số rút lui khỏi thị trường. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực đối với kết quả đạt được và triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

(2) Về việc điều chỉnh lãi suất cho vay của Chương trình cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ

Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Phiên họp Chính phủ và văn bản số 4457/BXD-VP ngày 07 tháng 8 năm 2024, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 8 năm 2024 xem xét, quyết định theo quy định và Quy chế làm việc của Chính phủ.

(3) Về việc báo cáo Chính phủ theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Quy chế làm việc của Chính phủ

Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, tại Phiên họp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo về ý kiến của Chính phủ đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

2. Chính phủ đề ra nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 năm 2024, trong đó giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Các địa phương thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù; địa phương lớn, đầu tàu kinh tế của cả nước tập trung, quyết liệt đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm trên địa bàn.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Tổ trưởng, chủ động, đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển địa phương.

- Thực hiện tốt các giải pháp thu ngân sách nhà nước; quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên.

- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là dịp Nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường năm 2024, trong đó tập trung bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên khắc phục các điểm đến, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, tăng cường cảnh báo tại nơi giao cắt với đường sắt trên các tuyến đường địa phương quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

- Thực hiện nghiêm túc kiểm kê đất đai năm 2024, bảo đảm đầy đủ, chính xác, đúng quy định của pháp luật về đất đai; khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực tế hiện trạng sử dụng đất. Các địa phương căn cứ vào yêu cầu công việc và điều kiện thực tế để huy động lực lượng chuyên môn phù hợp hiện có của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập ở các cấp cùng tham gia thực hiện nhằm bảo đảm chất lượng và thời gian theo quy định.

- Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, sự hài lòng của người dân, bảo đảm an toàn tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tăng cường các giải pháp ngăn ngừa, xử lý kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm. Thực hiện nghiêm theo quy định pháp luật về đấu thầu thuốc, vật tư y tế, bảo đảm các cơ sở y tế đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh tại địa phương.

- Xây dựng các phương án phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ, nhất là ứng phó với lũ quét, sạt lở đất ở các địa phương vùng cao, miền núi, vùng địa bàn địa chất không ổn định. Tập trung tu bổ đê điều, kè, cống; tiến hành rà soát an toàn của hệ thống hồ đập, kênh mương thủy lợi, kịp thời phát hiện sự cố để xử lý. Duy trì nghiêm công tác trực ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn, cảnh báo kịp thời khi có thiên tai, bão, lũ... để chủ động phòng, chống và hạn chế thấp nhất các trường hợp mất an toàn xảy ra do thiên tai, bảo đảm cao nhất tính mạng, tài sản của nhân dân.

- Chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới; chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

- Triển khai giải pháp cụ thể, tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng thông suốt một tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng khi cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan triển khai thí điểm hiệu quả mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024; kịp thời báo cáo Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Triển khai các giải pháp cụ thể, đột phá để cải thiện các chỉ số: cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

- Quyết liệt thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/2023/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm mục tiêu, lộ trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong năm 2024.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung hoặc trình Hội đồng nhân dân cùng cấp sửa đổi, bổ sung các văn bản về quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn theo cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 111/2024/QH15; tích cực phối hợp, chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để nhân rộng các mô hình hay, quy trình linh hoạt, cách làm sáng tạo.

- Ủy ban nhân dân 09 tỉnh có đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) đi qua tập trung chỉ đạo, hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các đơn vị thi công trong quá trình thi công các dự án tại địa phương (nhất là việc sử dụng đất tạm để làm đường thi công các dự án) để đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm phấn đấu hoàn thành dự án, đóng điện, nghiệm thu và tổ chức khánh thành nhân Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9.

- Tiếp tục huy động hệ thống chính trị tại địa phương để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; đặc biệt khẩn trương hoàn thành bàn giao toàn bộ diện tích mặt bằng còn lại của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trong tháng 8 năm 2024.

- Các địa phương có nguồn vật liệu cát đắp (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang) khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ, điều phối linh hoạt vật liệu san lấp đắp nền đường để giải quyết đủ nguồn vật liệu theo chỉ tiêu được giao, cũng như đã cam kết (đảm bảo về trữ lượng, công suất) theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 335/TB-VPCP ngày 19 tháng 7 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ.

Nội dung chi tiết theo file đính kèm./.


Đánh giá: