NGHỊ QUYẾT PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 4 NĂM 2021
Ngày 05/5/2021 Chính phủ đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2021 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 và ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021.
Theo nhận định của Chính phủ, kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục phục hồi và đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 0,89%, thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá ổn định; mặt bằng lãi suất cho vay giảm; thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 40,5% dự toán năm, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020; đã gia hạn thời hạn nộp thuế với số tiền khoảng 24.000 tỷ đồng theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP; đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép bố trí 12.100 tỷ đồng tiết kiệm chi thường xuyên năm 2020 chuyển sang năm 2021 để mua vắc xin. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng ước tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp tục duy trì xuất siêu, đạt 1,29 tỷ USD. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 24,1%, tính chung 4 tháng, ước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7%, cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 9,7%). Sản xuất nông nghiệp chưa có những tác động tiêu cực.
Hiệu quả quản trị hành chính công và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục được cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm chỉ đạo. An sinh xã hội, đời sống nhân dân cơ bản ổn định; thiệt hại do mưa, lũ miền Trung trong năm 2020 cơ bản được khắc phục. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4 năm 2021; khẳng định vai trò và đóng góp quan trọng, chủ động, tích cực của Việt Nam trong khu vực thông qua Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19. Giải ngân đầu tư công có chuyển biến nhưng còn chậm. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, giải trí... gặp nhiều khó khăn. Giá một số nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao. Thị trường lao động phục hồi chậm. Thị trường bất động sản, chứng khoán, vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một số vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết đáng kể. An sinh xã hội của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Vì vậy, trong thời gian tới Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả 'mục tiêu kép', vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả trong hành động. Tập trung rà soát, có biện pháp kịp thời, hiệu lực tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực hiệu quả phục vụ phát triển đất nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh. Tích cực chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm nhất là những lĩnh vực cần sự công khai minh bạch.
Nội dung chi tiết xem file đính kèm./.